• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm báo ngày 08/10/2019

Thuốc dạ dày chứa ranitidine dễ gây ung thư

Trong danh sách 11 thuốc chứa ranitidine mà Cục Quản lý dược yêu cầu thu hồi toàn bộ có thuốc của những tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới ở Ấn Độ, Tây Ban Nha, Ý, Malaysia, Thái Lan, Anh... 

Lý do thu hồi, theo Cục Quản lý dược, cơ quan khoa học y tế Singapore và Cơ quan quản lý dược phẩm Thụy Sĩ đã có thông báo thu hồi các thuốc này, do hàm lượng tạp chất N- nitrosodimethylamine (NDMA) có nguy cơ gây ung thư vượt ngưỡng cho phép của quốc tế.

Nhiều thuốc liên quan

Các thuốc nằm trong danh sách bị thu hồi là của nhiều nhà sản xuất nổi tiếng, nên có ở tất cả bệnh viện các tuyến, từ T.Ư đến địa phương, ở các loại dạng dùng như thuốc viên, tiêm, xirô...

Ông Trần Nhân Thắng (trưởng khoa dược Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết hiện qua thống kê tạm thời bệnh viện cũng có 3 thuốc chứa ranitidine, nay Cục Quản lý dược yêu cầu thu hồi nhóm thuốc này thì vẫn có nhiều thuốc chứa 2-3 dược chất khác có cùng tác dụng điều trị dạ dày. 

Ông Thắng cũng cho biết các thuốc chứa ranitidine đã được lưu hành từ lâu, tuy nhiên việc đồng loạt nhiều thuốc bị thu hồi do có tạp chất nguy cơ gây ung thư thì có thể do "nguồn nguyên liệu có vấn đề".

Nhiều nơi vẫn bán

Sáng 6-10, chúng tôi đến 6 tiệm thuốc tây tại các quận 5, 10, Phú Nhuận (TP.HCM) để tìm mua một vài loại thuốc chữa bệnh dạ dày tá tràng. Chúng tôi tìm mua các thuốc nằm trong danh sách 11 loại thuốc thành phẩm chứa hoạt chất ranitidine vừa bị Cục Quản lý dược quyết định thu hồi do chứa tạp chất NDMA - nguy cơ gây ung thư ở hàm lượng vượt ngưỡng cho phép của quốc tế.

Có 2/6 tiệm thuốc cho biết có bán thuốc chữa bệnh loét dạ dày, tá tràng chứa hoạt chất ranitidine dạng viên nén bao phim với giá 60.000 - 80.000 đồng/hộp 100 viên như: Umetac-150 (150mg, nhà sản xuất Ấn Độ), Ratidin (150mg, nhà sản xuất Việt Nam).

Các nhân viên tại 2 tiệm thuốc trên cho biết những loại thuốc chữa bệnh loét dạ dày, tá tràng chứa hoạt chất ranitidine phải bán theo kê đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu khách cần thì vẫn bán, mua bao nhiêu viên có bấy nhiêu.

Theo một nữ dược sĩ, thuốc mang hoạt chất ranitidine bán trên thị trường dưới nhiều tên thương mại khác nhau. Chúng là nhóm thuốc trị các bệnh đường tiêu hóa thuộc thế hệ cũ.

Người dùng có lo ngại bị ung thư?

Mới đây, Trung tâm theo dõi phản ứng phụ của thuốc (Trung tâm ADR quốc gia) phát đi thông báo cho biết cơ quan chức năng của Canada vừa yêu cầu thu hồi tất cả các lô với 10 loại thuốc và thu hồi một số lô có vấn đề với 2 loại thuốc, tất cả 12 loại thuốc này của 4 nhà sản xuất, đều mang hoạt chất ranitidine và có thể chứa tạp chất NDMA trên giới hạn cho phép.

Xem danh sách này, chúng tôi thấy có những loại thuốc trong danh sách có mặt ở VN, vì vậy khả năng danh sách thu hồi thuốc chứa ranitidine do tạp chất ở ngưỡng cao chưa dừng lại ở 11 loại thuốc như vừa qua.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Trung tâm ADR quốc gia cho biết họ đã gửi cảnh báo của Singapore và Thụy Sĩ đến Cục Quản lý dược, trước khi cục có quyết định thu hồi 11 loại thuốc này khoảng 1 tuần. Trung tâm đang tiếp tục theo dõi phản ứng của các nước liên quan đến nhóm sản phẩm này và sẽ tiếp tục gửi cảnh báo tới Cục Quản lý dược.

Trước những lo ngại của người dân về việc đã dùng các thuốc trị dạ dày có chứa ranitidine, ông Thắng cho biết: "Nếu muốn xác định người bệnh bị ung thư có phải do uống thuốc thì phải xem trong số những người dùng thuốc có bao nhiêu người bị ung thư, người đó dùng thuốc trong thời gian bao lâu, số người bị ung thư có tăng hay có gì khác biệt với trước kia... Tôi cho rằng các cơ quan chuyên môn và quản lý đã cảnh báo, thu hồi là động thái nhanh chóng để đảm bảo an toàn cho người dùng".

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các quyết định của Cục Quản lý dược và thông tin tới bạn đọc (Tuổi trẻ, trang 8).

 

 

Năm 2050: 25% dân số cả nước trên 60 tuổi

Tuổi thọ tăng kéo theo gánh nặng bệnh tật, nhất là khi người cao tuổi Việt Nam “thọ nhưng không khỏe”. Để ứng phó với thực trạng trên, ngành y tế Hà Nội đang nỗ lực để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe lão khoa từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện…

Hầu hết người bệnh cao tuổi mắc đa bệnh lý

Nhân Tháng hành động vì người cao tuổi (tháng 10-2019), cuối tuần qua, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa – cơ sở được giao nhiệm vụ đầu ngành lão khoa của ngành y tế Thủ đô đã tổ chức khám, tư vấn sức khỏe miễn phí, phát thuốc, tặng quà… cho hàng nghìn người bệnh cao tuổi trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa).

Có mặt tại sự kiện này, chúng tôi được biết, khó khăn lớn nhất trong công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe lão khoa là hầu hết người bệnh cao tuổi mắc đa bệnh lý như huyết áp, tiểu đường, tim mạch...

Những người bệnh cao tuổi vào viện điều trị thường mắc ít nhất 3 bệnh trở lên. Cũng có rất nhiều người bệnh có những hội chứng về lão khoa đặc biệt như sa sút trí tuệ, suy dinh dưỡng, bệnh alzheimer, bệnh parkinson…

Một nghiên cứu được Bệnh viện Lão khoa Trung ương thực hiện cách đây chưa lâu với 610 người trên 80 tuổi tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cũng cho thấy, trung bình một người cao tuổi mắc 6,9 loại bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính…

ThS. Nguyễn Thị Phương Thùy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa chia sẻ, mô hình bệnh tật lão khoa có những đặc thù riêng như vậy nên muốn quản lý điều trị tốt đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa, có hệ thống chăm sóc sức khỏe lão khoa đồng bộ. Các bác sĩ lão khoa cũng cần được đào tạo chuyên sâu và cần có kinh nghiệm trong phối hợp điều trị, nhất là sử dụng thuốc.

Thế nhưng ngay tại Hà Nội, ngoài Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thành phố vẫn chưa có Bệnh viện Lão khoa riêng. Bệnh viện Đống Đa là đầu ngành lão khoa của thành phố nhưng thực tế Khoa Lão khoa của bệnh viện này cũng mới được thành lập hơn 3 năm nay, có 40 giường bệnh, chủ yếu ưu tiên tiếp nhận điều trị nội trú cho những người bệnh từ 75 tuổi trở lên…

Thay đổi nhận thức để đối phó với già hóa dân số

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số" từ năm 2011. Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% tổng dân số, nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên.

Tổng cục Thống kê dự báo, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm 2050.

Để ứng phó với già hóa dân số, tháng 4-2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn Thủ đô đến năm 2025. Một chỉ tiêu quan trọng mà đề án đề ra là đến 2025 có 90% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe; ít nhất 85% người cao tuổi được khám sức khỏe thông thường định kỳ ít nhất một lần trở lên/năm.

Phó Giám đốc Bệnh viện Đống Đa Nguyễn Thị Phương Thùy cho biết, với vai trò được giao là đầu ngành lão khoa của thành phố, vừa qua bệnh viện đã thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, đi khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của các đơn vị y y tế trên toàn thành phố để tập hợp, tham mưu cho thành phố trong lĩnh vực này.

Qua khảo sát, đánh giá cho thấy, việc triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở các bệnh viện hạng 2, các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã của thành phố đã tương đối tốt. Song đến thời điểm này, mới chí có một số ít bệnh viện thành lập được khoa lão, có đơn nguyên lão khoa, còn lại đa phần mới bố trí dành riêng một số giường bệnh lão khoa.

Song điều đáng mừng nhất là hiện nay, nhận thức của chính những người cao tuổi về chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống đã thay đổi rõ rệt. Rất nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ người cao tuổi tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe. Riêng hai câu lạc bộ người bệnh đái tháo đường, huyết áp mà Bệnh viện Đống Đa tổ chức, quản lý hiện có khoảng 5.000 người bệnh cao tuổi tham gia sinh hoạt đều đặn.

“Để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tốt hơn, cần kết hợp rất nhiều giải pháp, từ truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức đến cải thiện chất lượng mạng lưới chăm sóc sức khỏe của thành phố, không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh tại các bệnh viện mà còn phải quản lý người bệnh trong cộng đồng…” – bà Thùy cho biết (An ninh thủ đô, trang 14).

 

Bệnh nhân nhập viện với khối u có đường kính hơn 15cm

Bệnh viện Ung bướu Hà Nội vừa tiếp nhận bệnh nhân H.V.C. (43 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) vào khám với khối u kích thước “khủng” ở cổ, đường kính tới hơn 15 cm, chèn ép khiến mặt lệch hẳn sang một bên, đồng thời gây khó thở, nuốt vướng, khạc nhổ ra máu. Kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhân có khối u dạng sùi chiếm toàn bộ hố amidan trái và sụn nắp gây hẹp khẩu kính hạ họng. Ngoài ra, có hạch trung thất, hạch thượng đòn hai bên với đường kính hạch lớn nhất lên đến 4 cm. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư hạ họng di căn ở giai đoạn muộn.

Các bác sĩ cho biết, điều hết sức đáng tiếc ở ca bệnh này là bệnh nhân vì đặt niềm tin vào thầy lang mà đến viện muộn nên đánh mất cơ hội điều trị triệt căn, phẫu thuật hoặc xạ trị.

Qua lời kể từ bệnh nhân, cách đây 2 tháng, anh thấy cổ nổi cục to bằng đốt ngón tay nhưng không đi khám mà tìm đến một “thầy lang” tại địa phương và được cho điều trị bằng cách đắp lá. Tuy nhiên bệnh không thuyên giảm mà khối u còn phát triển nhanh, nổi hạch xung quanh, bầm tím. Dù vậy anh này vẫn kiên trì đắp thuốc, chỉ đến khi thấy khó thở, nuốt vướng, khạc nhổ ra máu mới chịu đi viện khám.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, với bệnh nhân ung thư hạ họng nếu được phẫu thuật chủ động sớm, bệnh nhân sẽ bớt đau đớn, các biến chứng do mổ cũng ít xảy ra. Vì thế, người bệnh khi thấy nổi hạch ở cổ phải đi khám chuyên khoa ung bướu sớm, điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy đến (An ninh thủ đô, trang 14).

 

Người trẻ cũng mắc Parkinson

Đi lại khó khăn, nhưng chị Đ.T.N. (41 tuổi, ngụ tại quận 12, TPHCM) vẫn chăm chỉ đi sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) dành cho người bệnh Parkinson tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM. Chị N. chia sẻ, chị bắt đầu phát bệnh Parkinson từ năm 30 tuổi với triệu chứng bị đơ cứng tay chân, khó vận động. Ban đầu, gia đình cứ nghĩ chị bị đột quỵ. Sau đó, chị N. đến BV Đại học Y Dược TPHCM khám và được chẩn đoán bị Parkinson. Sau thời gian điều trị khoảng 5 năm, chị N. được phẫu thuật kích thích não sâu. Đến nay, sau 11 năm điều trị, chị N. đã đi lại được, tuy nhiên vẫn phải dùng thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng bệnh hàng ngày.

Cũng chưa đầy 40 tuổi nhưng đã mắc bệnh Parkinson, chị N.T.K.O. (39 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) được chẩn đoán bị bệnh từ 2 năm về trước. Ban đầu, chị O. bị run tay phải, cử động chậm chạp và mất khả năng ngửi mùi. Khám bệnh tại địa phương, chị được các bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc Levodopa. Sau một năm, chị O. xuất hiện biến chứng vận động do sử dụng thuốc, bị loạn động và dao động vận động. Sau đó, chị được chuyển đến Khoa Thần kinh của BV Đại học Y Dược TPHCM. Các bác sĩ đã tiến hành khám để đánh giá và điều chỉnh lại thuốc điều trị. Sau khi điều chỉnh thuốc, tình trạng người bệnh ngày càng ổn định.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến bệnh Parkinson là do các tế bào thần kinh nhất định trong não dần dần chết đi. Kết quả là xuất hiện nhiều triệu chứng của bệnh như đơ cứng tay chân, di chuyển khó khăn, hạn chế vận động… do mất tế bào thần kinh sản xuất ra dopamine - một chất hóa học trong não. Ngoài ra, bệnh Parkinson còn liên quan chủ yếu đến yếu tố di truyền và độc tố môi trường. Khi trực tiếp tiếp xúc với một số độc tố trong môi trường (như mangan kim loại) có thể gây ra các triệu chứng của bệnh Parkinson.

Cần phát hiện để điều trị sớm

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Tài, Phó Trưởng khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị rối loạn vận động (BV Đại học Y Dược TPHCM), cho biết người bệnh Parkinson ở giai đoạn nặng có thể gặp phải biến chứng như: sa sút trí tuệ, sụt cân, suy kiệt, nhiễm trùng phổi và đường tiểu; té ngã gây chấn thương, gãy xương, đặc biệt cổ xương đùi ở người lớn tuổi. Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện các biến chứng do điều trị thuốc Levodopa như dao động vận động, loạn động. Dao động vận động ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống người bệnh, làm giảm khả năng vận động và tương tác xã hội, gây trở ngại cho các hoạt động sống hàng ngày. Bác sĩ Trần Ngọc Tài thông tin, có thể nhận biết sớm bệnh Parkinson thông qua 4 triệu chứng chính như: run khi nghỉ, đơ cứng, cử động chậm, rối loạn dáng đi và mất ổn định tư thế. Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng như viết chữ khó khăn, nhỏ dần; giọng nói thay đổi; thường xuyên bị táo bón, chảy nước dãi; tiểu gấp; giảm ham muốn tình dục, mất ngủ… “Để hạn chế rủi ro mà bệnh gây ra, ngay khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh Parkinson, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh Parkinson nên giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ cũng như duy trì chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp”, bác sĩ Trần Ngọc Tài khuyến cáo.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia y khoa, việc người bệnh tập vận động 2,5 giờ/tuần có thể làm chậm diễn tiến của các triệu chứng bệnh Parkinson. Ngoài ra, vận động cũng giúp kiểm soát triệu chứng vận động và cải thiện các triệu chứng khác như mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, khí sắc và tình trạng sức khỏe. Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa trị dứt điểm cũng như làm chậm tiến triển của bệnh Parkinson. Vì vậy, người bệnh Parkinson khi biết mình bị bệnh này thường hay lo lắng, sợ hãi, bi quan. Tuy nhiên, khi được theo dõi và điều trị tốt, nhiều người bệnh Parkinson vẫn có triệu chứng rất nhẹ và có thể tiếp tục làm công việc hiện tại của mình trong nhiều năm, từ đó giúp người bệnh Parkinson có chất lượng sống tốt hơn (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Điều trị thành công bệnh nhân nhiễm vi khuẩn whitmore

Ngày 7-10, tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định Phần Mở Rộng vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (vi khuẩn whitmore, hay còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người). 

Đây cũng là ca bệnh nhiễm khuẩn whitmore đầu tiên xuất hiện ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ.

Trước đó, ngày 30-9, nữ bệnh nhân N.T.N. (29 tuổi, ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) nhập viện trong tình trạng sốt cao 40oC, sưng đau vùng cổ trái. Theo chị N., bệnh khởi phát 15 ngày trước, với các triệu chứng sưng đau, nóng, đỏ vùng cổ trái, kèm theo sốt, mệt mỏi về chiều. Chẩn đoán bệnh nhân có khối u vùng cổ trái, áp xe hoa và đái tháo đường típ 1, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật làm sạch ổ áp xe, mô hoại tử, điều trị với kháng sinh ceftazidim.

Đến ngày 4-10, bệnh nhân có kết quả cấy máu, xác định bị nhiễm khuẩn whitmore. Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân N. đã hết sốt, vết thương sạch, đường huyết ổn định (Sài Gòn giải phóng, trang 4).


Tác giả: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TW
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TW
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?