• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm báo ngày 12/2/2020

Chuyến bay đặc biệt đưa công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước; Bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TW chia sẻ kinh nghiệm điều trị nCoV; TPHCM: Ra mắt Trung tâm điều hành y tế thông minh

 

Chuyến bay đặc biệt đưa công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước

30 công dân Việt Nam (trong đó có một phụ nữ mang thai 8 tháng) từ Vũ Hán, Trung Quốc đã được đưa về Việt Nam có tình trạng sức khỏe ổn định, tinh thần tốt và đã được cách ly, theo dõi y tế theo quy định.

Hàng triệu trái tim người Việt vui mừng xen lẫn niềm tự hào khôn xiết khi biết chuyến bay VN68 đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh lúc 05h04 phút sáng ngày 10/02/2020.

Thế nhưng ít ai biết được câu chuyện giản dị mà cảm động về những bác sĩ, phi hành đoàn dũng cảm đã xung phong đến “tâm dịch” Vũ Hán đón đồng bào về nước trong chuyến bay đặt biệt.

Những “chiến sĩ áo trắng” thầm lặng

BS. Nguyễn Đình Anh – Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Thi đua và Khen thưởng (Bộ Y tế) chia sẻ: Trong chuyến bay chở 30 công dân từ Vũ Hán trở về Việt Nam sáng 10/02/2020, ít ai biết rằng có 3 đồng nghiệp của chúng tôi tháp tùng đoàn để chăm lo sức khỏe cho những người có mặt trong chuyến bay đó.

Ba đồng nghiệp của chúng tôi – họ là những “chiến sĩ áo trắng” thầm lặng. Đó là một bác sĩ sản khoa từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương được cử đi vì trong đoàn 30 người được đón về nước lần này có một phụ nữ mang thai tháng thứ 8. Chính vì vậy, bác sĩ sản khoa được cử đi đề phòng thai phụ sinh con hoặc xuất hiện tai biến sản khoa có thể xảy ra trên chuyến bay.

Bác sĩ thứ hai là Phó khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đây là bác sĩ rất quan trọng để ứng cứu, đề phòng chuyện bất trắc xảy ra nếu có tình huống bất thường trên máy bay.

Người thứ ba là một Điều dưỡng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để thực hiện các y lệnh của bác sĩ khi sức khỏe của những người này có vấn đề.

Tối 09/02/2020, đoàn công tác đã tới Hồ Bắc, Trung Quốc và đón hành khách. Rạng sáng ngày 10/02, máy bay đã đưa hành khách trở về cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh. Để đảm bảo an toàn và ngăn chặn dịch bệnh nCoV, ngay sau khi xuống máy bay, các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh chóng làm thủ tục khử trùng và kiểm tra y tế theo đúng quy định phòng dịch cho các y bác sĩ, tổ bay và 30 công dân.

“Giờ đây, cũng như 30 công dân kia, các y bác sĩ và tổ bay cũng đang tạm cách ly, đề phòng nếu họ đi từ vùng dịch trở về có thể tiếp xúc với nguồn bệnh, để 14 ngày sau không có vấn đề gì thì họ sẽ được về với gia đình, về với bệnh viện nơi công tác.

Cám ơn các anh - những chiến sĩ áo trắng, luôn thầm lặng, dấn thân, không ngại vất vả, hiểm nguy”- BS. Nguyễn Đình Anh chia sẻ.

Tổ bay dũng cảm

Trong chuyến bay đặc biệt đến Vũ Hán lần này không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của phi hành đoàn được Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tuyển chọn kỹ lưỡng nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ do Chính phủ giao phó và trách nhiệm của một Hãng hàng không Quốc gia.

Vietnam Airlines cho biết, chuyến bay đặc biệt được phục vụ theo tiêu chuẩn gắt gao nhất. Phụ tùng, vật tư dự phòng cũng được hãng đưa lên máy bay để ứng phó với tình huống phát sinh liên quan đến kỹ thuật.

Các bộ phận mặt đất được huy động để tăng cường trực điều hành, theo dõi sát sao chuyến bay với mức độ ưu tiên cao nhất, đảm bảo kế hoạch đề ra.

Điều đặc biệt là 15 thành viên phi hành đoàn đã được lựa chọn từ gần 100 phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật, nhân viên mặt đất tình nguyện đăng ký lên đường làm nhiệm vụ.

Sáng sớm ngày 10/2/2020, chuyến bay mang số hiệu VN68 đã đáp xuống sân bay quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Sau khi hạ cánh, tất cả hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay được đưa đến khu cách ly để kiểm tra, theo dõi sức khỏe thường xuyên.

Chiếc máy bay trở về từ Vũ Hán cũng được khử trùng toàn bộ buồng lái, khoang hành khách, hầm hàng và tạm dừng khai thác trong 24 giờ để phòng ngừa tuyệt đối nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nCoV.

Cũng theo Vietnam Airlines, nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe cho hành khách và người lao động ở cả hai đầu Vũ Hán và Việt Nam, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan chức năng trang bị đồ bảo hộ y tế đặc chủng cho tổ bay và nhân viên mặt đất; điều phối chuyên gia, thiết bị y tế chuyên dụng lên chuyến bay.

Hãng cũng phối hợp với nhà chức trách tại Vũ Hán kiểm tra sức khỏe của tất cả hành khách và phi hành đoàn trước khi lên máy bay.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc vật dụng dùng nhiều lần, chuyến bay không phục vụ suất ăn, tạp chí, chăn và dịch vụ giải trí trên chuyến bay này.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay đưa hành khách khỏi những khu vực có tình hình chính trị, xã hội bất ổn. Trước đó, hãng đã tham gia nhiều chiến dịch lớn của Chính phủ như lập cầu hàng không sơ tán người lao động ở Lybia năm 2011 và 2014; hỗ trợ người Việt về nước trong thời điểm Nhật Bản bị động đất, sóng thần năm 2011; đưa hành khách thoát khỏi châu Âu do núi lửa phun trào năm 2010; giải cứu hành khách bị kẹt tại Thái Lan do khủng hoảng chính trị năm 2008; vận chuyển công dân Việt Nam trở về từ Malaysia, Trung Đông các năm 2005-2007...

"Việc thực hiện những chuyến bay này là sứ mệnh, trách nhiệm của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Đây cũng là hoạt động nằm trong chiến dịch Hành trình Tự hào (Flights of Nation) nhằm đồng hành cùng những sự kiện của đất nước với mục đích vì con người, lợi ích và hình ảnh quốc gia" - Vietnam Airlines cho biết. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1; Công an nhân dân, trang 1).

 

Bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TW chia sẻ kinh nghiệm điều trị nCoV

"Về cơ bản, chúng tôi vẫn điều trị các bệnh nhân nhiễm nCoV là điều trị các triệu chứng như sốt, đau họng, ho và nâng cao thể trạng. Việc quan trọng nhất trong quá trình điều trị là phải đảm bảo dược việc cách ly để tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như tránh phát tán mầm bệnh ra bên ngoài..."BSCK II Nguyễn Trung Cấp- Trường Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ.

Ánh mắt rạng ngời niềm vui của 2 cô gái và 1 chàng trai khi bước ra trước cửa Khoa Cấp cứu để trở về với gia đình sau những ngày điều trị dịch nCoV tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cùng lời cảm ơn toàn thể y bác sĩ đã tận tình chăm sóc cho họ thời gian qua đã thu hút hàng chục phóng viên có mặt tại đó hướng ống kính, máy ghi âm về phía họ.

Cả 3 đều còn rất trẻ, tuổi đời đều dưới 30, họ đến từ Vĩnh Phúc và có thêm một điểm chung “bất đắc dĩ” là cùng nhiễm nCoV sau khi trở về trên chuyến bay từ Vũ Hán, sau 2 tháng học tập tại đây.

Nụ cười và lời cảm ơn ngày ra viện

Nguyễn Thị Dự 23 tuổi  là người đầu tiên ở Vĩnh Phúc được xác nhận dương tính với nCoV. Cô chia sẻ, lúc đầu khi biết mình nhiễm nCoV, cô cảm thấy hoang mang, lo lắng cho cả mình và người thân bởi từ khi rời Vũ Hán về nước cô đã tiếp xúc với nhiều người họ hàng, đồng nghiệp.

Dự nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 25/1, được cách ly điều trị ngay. Trong quá trình điều trị tại đây, Dự lại liên tiếp nhận được tin cả mẹ, em gái và hai người họ hàng đã bị lây nhiễm virus từ cô và đang được cách ly, điều trị.

Các bác sĩ cho biết, Dự là 1 trong 3 bệnh nhân điều trị dài ngày nhất, có lẽ vì vậy nên “khi nhận được kết quả âm tính sau hai lần xét nghiệm, em rất vui mừng, mong chờ, chuẩn bị mọi thứ từ sáng sớm để được xuất viện trở về nhà"- Dự chia sẻ.

Cùng ra viện với Dự, chàng thanh niên Từ Công Phương tươi cười và bày tỏ lời cảm ơn đến các nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã nhiệt tình chăm sóc, điều trị cho Phương và 3 bệnh nhân để hôm nay cả 3 bệnh nhân đều được khỏe mạnh ra viện.

Nữ bệnh nhân Ly, 29 tuổi, ôm bó hoa được Lãnh đạo Bộ Y tế tặng khi xuất viện cho biết cô rất vui vì hôm nay đã khoẻ mạnh để được xuất viện. Ly vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị ngày 31/1.

Dự, Phương và Ly đều ở trong nhóm 8 người của công ty đi tập huấn tại Vũ Hán, về nước hôm 17/1. Cả 3 cho biết sau khi xuất viện sẽ tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ, tiếp tục tự cách ly an toàn một thời gian và kiểm tra thân nhiệt hàng ngày để tránh nhiễm bệnh trở lại.

BS Nguyễn Viết Nam, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân, cho biết cả 3 bệnh nhân rất vui vẻ khi biết mình đã khỏi bệnh. Họ ngóng chờ giây phút được ra viện.

Các bác sĩ cho biết cả 3 bệnh nhân khỏi bệnh xuất viện trở về gia đình không phải cách ly, sinh hoạt bình thường.

Chia sẻ về quá trình điều trị 3 bệnh nhân, TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cho biết, BV đã đảm bảo quy trình cách ly, chăm sóc bệnh nhân ngay tại giường bệnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

TPHCM: Ra mắt Trung tâm điều hành y tế thông minh

Trung tâm điều hành y tế thông minh Sở Y tế TPHCM ra mắt giúp nắm bắt, cập nhật từng phút số ca bệnh nhiễm nCoV và tình hình sức khỏe của bệnh nhân thay cho những báo cáo bằng giấy. 

Sáng 11.2, mô hình thí điểm Trung tâm điều hành y tế thông minh vừa được ra mắt tại Sở Y tế TPHCM. 

Cụ thể, trung tâm sẽ kết nối tổng hợp số liệu từ các phòng, ban các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc. Kết nối với 48 camera của 8 bệnh viện kèm theo phân tích trí tuệ nhân tại (AI) phục vụ quá tải cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh Corona, nhận dạng trộm cắp, cò mồi, khảo sát không hài lòng và trải nghiệm người bệnh nội trú,...

Tham dự lễ ra mắt, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, đánh giá cao những chủ động của ngành y tế thành phố trong việc nắm bắt và cập nhật công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành. 

"Trung tâm điều hành y tế thông minh Sở Y tế TPHCM rất có ý nghĩa khi ra mắt ngay thời điểm diễn biến của dịch bệnh Corona đang phức tạp. Trung tâm hoạt động sẽ góp phần giám sát và phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp, làm sao để không để có người chết.

Dịch xảy ra khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, công việc sẽ vất vả hơn nhưng phòng được dịch bệnh sẽ giữ được bình yên trong xã hội" - Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. 

Trao đổi thêm về ứng dụng của trung tâm trong việc phòng chống dịch do virus Corona, PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay, ngồi ở trung tâm có thể gọi điện với bệnh nhân nhiễm virus Corona; cập nhật từng giờ từng phút số ca mắc bệnh thay cho những báo cáo bằng giấy trước đây.

"Một ví dụ là thay vì lên Củ Chi mỗi ngày thì chúng tôi có thể trao đổi với giám đốc bệnh viện Dã Chiến và quan sát hoạt động qua hệ thống camera giám sát, điều ngày góp phần quan trọng giúp phòng chống dịch do virus Corona.

Ngoài ra, Sở Y tế thời gian qua đã liên tục tập huấn để có những kiến thức giúp tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân. Kêu gọi toàn bộ ngành y tế cùng tham gia phòng chống dịch chứ không chỉ riêng ngành y tế dự phòng" - PGS.TS Tăng Chí Thượng trao đổi. (Lao động, trang 1).

 

Lập chốt cách ly tại 'điểm nóng' dịch ở Vĩnh Phúc

Theo Bộ Y tế, đến ngày 11.2, Việt Nam đã có 15 người nhiễm nCoV, trong đó riêng tỉnh Vĩnh Phúc có 10 trường hợp nên chính quyền tỉnh đang khẩn trương tổ chức hàng loạt biện pháp phòng chống dịch.

Ngày 11.2, Bộ Y tế xác nhận bệnh nhân (BN) thứ 15 tại Việt Nam mắc chủng mới của vi rút Corona (nCoV) là bé gái N.G.L (3 tháng tuổi, trú xã Quất Lưu, H.Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Bé L. là cháu ngoại của bà P.T.B (mẹ đẻ chị N.T.D - 1 trong 8 người đi từ Vũ Hán về và dương tính nCoV).

Ngày 28.1, bé L. được mẹ đưa đến nhà bà P.T.B (xã Sơn Lôi, H.Bình Xuyên) chơi và hai mẹ con cùng ở nhà bà ngoại trong 4 ngày.

Sau khi xác định bà P.T.B dương tính với nCoV, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã lập danh sách người tiếp xúc gần, trong đó có mẹ con bé L. Ngày 6.2, bé L. có biểu hiện ho và chảy nước mũi.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã lấy mẫu bệnh phẩm và gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Hà Nội) xét nghiệm, cho kết quả dương tính với nCoV. Hiện tại, BN N.G.L và mẹ đang được cách ly cùng nhau tại Phòng khám đa khoa Quang Hà (H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), sức khỏe ổn định.

Theo Bộ Y tế, đến ngày 11.2, Việt Nam đã có 15 BN nhiễm nCoV, riêng tỉnh Vĩnh Phúc có 10 trường hợp; đã có 6/15 BN nhiễm nCoV được xuất viện.

Mở rộng điều tra, rà soát đối tượng phải cách ly

Để phòng chống, ngày 11.2 Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn có công văn hỏa tốc, chỉ đạo về công tác phòng chống dịch nCoV. UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch và chủ tịch UBND các huyện, TP trên địa bàn tập trung chỉ đạo, không để dịch bệnh tiếp tục phát tán, lây lan. Sở Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh về công tác tổ chức chuyên môn, thành lập các tổ công tác, cắm chốt tại H.Bình Xuyên và hỗ trợ Trung tâm y tế H.Bình Xuyên về công tác chuyên môn.

Chủ tịch UBND các huyện, TP chỉ đạo mở rộng điều tra, rà soát đối tượng phải cách ly; chỉ đạo thành lập các đội phòng chống dịch bệnh tại từng thôn, tổ dân phố, có nhiệm vụ đi đến từng nhà tuyên truyền, giám sát và đo thân nhiệt, yêu cầu các trường hợp bất thường về sức khỏe đi khám tại cơ sở y tế.

Tại khu vực có dịch bệnh, cử lực lượng gác chốt (thành viên là dân quân, công an xã) hạn chế ra vào của người dân và các phương tiện giao thông tại các thôn, xã có ca dương tính với nCoV; tổ chức phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực được cách ly.

TP.HCM không còn ca nghi nhiễm nCoV

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh, tại TP.HCM đến 11.2 có 3 ca nhiễm nCoV (1 ca đã xuất viện); 28 ca nghi ngờ trước đây đã có kết quả âm tính. 39 ca tiếp xúc gần các ca nhiễm cần theo dõi thì 15 ca đã kết thúc theo dõi, 18 ca đang được cách ly tập trung và 6 ca đang cách ly tại nhà.

Trường hợp trẻ 5 tuổi tiếp xúc với ca nhiễm bệnh thứ 3 (ông K., 73 tuổi, quốc tịch Mỹ) có triệu chứng sốt ngày 9.2 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Bé hiện đang được tiếp tục theo dõi cho đủ 14 ngày từ ngày tiếp xúc với ca nhiễm nCoV.

Cùng ngày, theo nguồn tin từ UBND Q.Bình Tân, trung tâm y tế quận, phường tiếp nhận thông tin và theo dõi 1.029 trường hợp đến từ vùng dịch; trong đó có 116 trường hợp do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP chuyển đến, 299 trường hợp do Công an Q.Bình Tân điều tra, theo dõi chuyển sang và 614 trường hợp là chuyên gia tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam. Hiện TP cũng đang cách ly, theo dõi hơn 2.100 ca.

Cùng ngày 11.2, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế có báo cáo chính thức về diễn biến, tình hình sức khỏe những người liên quan đến du thuyền Diamond Princess từng cập cảng Chân Mây (H.Phú Lộc) và rời đi vào chiều cùng ngày 27.1, sau đó phát hiện hàng chục người nhiễm nCoV khi về đến Nhật Bản (Thanh Niên đã thông tin).

Theo báo cáo, du thuyền Diamond Princess khi cập cảng Chân Mây có 3.750 người, gồm 1.050 thuyền viên và 2.700 hành khách du lịch (trong đó có 9 khách và 20 thuyền viên Trung Quốc). Sau khi tàu cập cảng, có 22 người thuộc các lực lượng như biên phòng, cảng vụ hàng hải, hải quan cảng... làm thủ tục nhập cảnh; trong đó cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (thuộc Sở Y tế tỉnh) đã thực hiện quy trình kiểm dịch y tế, giám sát dịch bệnh nCoV, triển khai tờ khai y tế... cho tất cả hành khách và thuyền viên trước khi rời tàu vào đất liền.

Kết quả không có hành khách nào có các triệu chứng sốt, ho, khó thở... 1.252 khách sau đó được phép rời tàu lên bờ theo các chương trình du lịch đã đăng ký (454 khách tham quan Huế); tất cả đều trở lại thuyền và rời đi lúc 17 giờ cùng ngày.

Đến 9 giờ ngày 11.2, tức hơn 14 ngày kể từ khi tàu cập cảng Chân Mây, tất cả cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm dịch và những người khác có liên quan đến đoàn khách đến Huế (như lái xe, lái thuyền, hướng dẫn viên...) qua kiểm tra cho thấy “sức khỏe đều bình thường”, “đều không sốt, không có các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp”. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện thêm ca bệnh nghi ngờ, không có ca bệnh xác định. (Thanh niên, trang 5).

 

Không để người nhiễm nCoV tử vong

Ngày 11/2, Việt Nam ghi nhận ca dương tính với virus corona mới thứ 15. Điều đặc biệt, bệnh nhân là cháu bé mới 3 tháng tuổi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Với 10/15 ca mắc bệnh, Vĩnh Phúc trở thành địa phương có chùm ca bệnh lớn nhất nước khiến Bộ Y tế phải bổ sung lực lượng hỗ trợ phòng và điều trị.

Tại cuộc gặp mặt báo chí thông tin về điều trị bệnh do virus corona mới, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ca bệnh thứ 15 tại Việt Nam là lây từ bà ngoại sang cháu, bà ngoại lây từ con gái. Hiện nay, bệnh nhi đang được cách ly, điều trị tại một phòng khám thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tình trạng bệnh của cháu bé đang được kiểm soát tốt.

Bé là cháu ngoại của bệnh nhân P.T.B (là bệnh nhân có liên quan đến bệnh nhân N.T.D - 1 trong 8 người đi từ Vũ Hán, được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và ra viện ngày 10/2). Như vậy, tại Việt Nam đã có đủ lứa tuổi mắc bệnh, từ trẻ nhỏ đến người già.

Điều trị và cách ly từ tuyến huyện

Bộ Y tế cho biết, các bệnh nhân nhiễm virus corona mới ở Vĩnh Phúc hiện nay đều không có triệu chứng rầm rộ của bệnh như ho, sốt cao, khó thở… Do đó, đều được đưa xuống quản lý, điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế ở tuyến huyện. Tình trạng của các bệnh nhân đều bình thường, ổn định.

Tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên đang có đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đồng hành để theo dõi và điều trị cho bệnh nhân. Khi sức khoẻ các bệnh nhân ổn định, được xuất viện về nhà sẽ tiếp tục được giám sát tại gia đình, hướng dẫn chăm sóc động viên người bệnh bởi y tế tuyến xã cùng đoàn thể, chính quyền địa phương. 

“Những trường hợp bệnh nhân nặng, phải thở máy, có bệnh nền mạn tính thì mới cần phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Chúng tôi cũng chưa đưa bệnh nhân nào ở Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc vì tuyến dưới đang điều trị tốt”, ông Khuê cho biết. Theo lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, việc phân tuyến điều trị bệnh nhân do virus corona mới như hiện nay là hợp lý và đúng với đặc tính của căn bệnh, mặc dù thế giới vẫn còn rất ít thông tin về loại virus này do đây là chủng mới.

 PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết thêm, tại cuộc họp trực tuyến 700 điểm cầu cuối tuần qua, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thu dung và điều trị kịp thời, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Hiện Bộ Y tế cũng đã cử đội chuyên gia y tế dự phòng, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, nhi khoa sẵn sàng hỗ trợ cho tỉnh Vĩnh Phúc để kịp thời xử lý nếu bệnh nhân có diễn biến nặng lên.

Dân không nên quá hoang mang

Tại miền Bắc, Bộ Y tế bố trí khu điều trị riêng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (cơ sở 2), cách xa trung tâm TP Hà Nội để tránh lây lan dịch bệnh. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã bố trí thêm 20-40 giường bệnh để tiếp nhận trong trường hợp quá đông bệnh nhi ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.

Để chủ động phòng bệnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức cách ly bệnh nhân ở 3 khu vực riêng gồm: Khu cách ly cho những người chưa mắc bệnh; khu cách ly của bệnh nhân đã xác định dương tính với virus corona mới nhưng ở thể nhẹ và khu cách ly của bệnh nhân thể nặng hơn. 

Ông Khuê nhấn mạnh, với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, cơ sở vật chất và hậu cần tại chỗ) với sự chi viện của bác sĩ tuyến trung ương sẽ giúp cơ sở tuyến tỉnh, huyện đáp ứng được điều trị cho người bệnh. “Điều quan trọng là người dân cần hết sức bình tĩnh không nên quá hoang mang, lo lắng mà nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, ông Khuê nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, hiện virus này còn rất mới với giới y học, chưa có vắc - xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên phải quan tâm thêm đến các loại thuốc và biện pháp điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân.

“Bộ Y tế sẵn sàng tìm những biện pháp, những thuốc mới tốt nhất điều trị cho bệnh nhân với mục tiêu phát hiện sớm, điều trị khỏi và không để xảy ra tử vong. Do vậy, Bộ Y tế sẵn sàng cho phép thử nghiệm các thuốc mới, phương pháp điều trị mới. Nhưng những thuốc mới này, theo quy định về khoa học, đặc biệt là an toàn sinh học phải có thời gian thử nghiệm, chúng ta phải hết sức thận trọng. Đây là chủng virus mới nên càng phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin thêm.

 Nói về việc mới đây Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phê duyệt bổ sung đề tài độc lập cấp Nhà nước để xem xét đưa ra thuốc mới phối hợp điều trị cho bệnh nhân do virus corona mới gây ra, TS. Khuê cho hay: “Đây là kinh nghiệm của một vài nước, tuy nhiên những nước này cũng chỉ có ca bệnh thưa thớt, kinh nghiệm điều trị chưa nhiều nên càng cần phải nghiên cứu kỹ. Các nhà nghiên cứu sẽ nỗ lực để có những bằng chứng khoa học nhằm giúp chúng ta có thêm vũ khí chiến đấu với virus mới này.

Cụ thể là đề tài "Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới", giao cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư chủ trì, phối hợp với các đơn vị gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trung tâm Cảnh giác dược... Lopinavir/ritonavir được biết đến là một loại công thức phối hợp liều cố định để điều trị và phòng ngừa nhiễm HIV/AIDS”. (Tiền phong, trang 6).

 

Vào xã Sơn Lôi, 'tâm dịch' của Vĩnh Phúc

Ngay đầu địa phận thôn Ái Văn, loa truyền thanh phát liên tục thông tin về phòng, chống dịch corona; băngrôn khẩu hiệu giăng khắp lối; vôi bột rắc nhiều nơi...

Ngay từ đầu thôn Ái Văn, loa truyền thanh liên tục phát thông tin về dịch bệnh, băngrôn khẩu hiệu về dịch bệnh giăng khắp lối. Bà con Ái Văn đều đeo khẩu trang. Nhiều hàng quán nghỉ, họa hoằn lắm mới có đôi ba hàng thực phẩm mở cửa bán cho người quen trong làng.

"Ban đầu cũng xôn xao đấy. Bà con ai cũng sợ lây qua đường không khí. Nhưng bác sĩ về đây nói chỉ lây khi tiếp xúc ăn uống, ngủ nghỉ hay ngồi trực tiếp nói chuyện, lây qua đường nước bọt", ông Phạm Văn Bốn (53 tuổi, hàng xóm sát vách nhà bệnh nhân D.) nói.

Người thôn Ái Văn đọc vanh vách biện pháp phòng, chống, phải đeo khẩu trang liên tục thế nào, nói chuyện với nhau đứng cách xa 1-2m ra sao.

Bà Trần Thị Chung (51 tuổi) cho biết con trai, con gái bà làm công nhân đều được công ty cho nghỉ. 8 người tính cả con, cháu, dâu, rể đều ở nhà.

Bà nói giờ chỉ muốn các hàng thuốc có đủ khẩu trang cho bà con dùng, chứ mấy ngày nay, người làng chạy đôn chạy đáo mua khẩu trang khó quá. Nhà bà phải đặt mấy hộp từ miền Nam.

Trong khi đó, túc trực tại điểm chốt chặn đầu xã Sơn Lôi, anh Nguyễn Văn Quyền, công an viên xã Sơn Lôi, cho biết hiện xã đã thành lập các tổ chốt chặn tại các lối ra vào xã 24/24 giờ. 

Tại đây, tổ công tác đo thân nhiệt người ra vào, hướng dẫn bà con đeo khẩu trang và ghi chép vào sổ nhật ký cẩn thận nếu ai không đeo khẩu trang.

Anh cũng cho biết chiều nay sẽ phun thuốc khử trùng, tránh lây lan dịch bệnh trong toàn xã. (Tuổi trẻ, trang 1).

 

Sức khỏe bé gái 3 tháng tuổi nhiễm virus corona vẫn tốt

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế thông tin, bệnh nhân nCoV thứ 15 ở Việt Nam là một bé gái mới chỉ 3 tháng tuổi nhưng tình trạng sức khỏe đang được kiểm soát tốt…

Ngày 11-2, trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi Bộ Y tế thông tin Việt Nam đã có ca bệnh thứ 15 bị nhiễm viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, qua ca bệnh này cho thấy mô hình lây, tính chất lây virus corona ở nước ta đã lan đến “F3”.

“Ca bệnh nhiễm nCoV thứ 15 vừa được công bố tại Việt Nam là cháu bé 3 tháng tuổi bị lây từ bà ngoại sang, người bà ngoại này lại bị lây nhiễm corona từ 1 trong 8 người đi tập huấn ở Vũ Hán - Trung Quốc trở về. Mặt khác, với ca bệnh này, tại nước ta đã ghi nhận mọi lứa tuổi mắc bệnh nCoV, từ trẻ nhỏ đến thanh niên, người già” – ông Khuê cho biết.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hiện tình trạng bệnh của cháu bé 3 tháng tuổi nhiễm corona đang được kiểm soát tốt, sức khỏe ổn định. Cháu đang được cách ly, điều trị tại một phòng khám thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Mẹ cháu bé hiện vẫn khoẻ mạnh nhưng cũng đang được cách ly cùng bé (vì bệnh nhân còn nhỏ).

"Chúng tôi sẽ cử chuyên gia (từ Bệnh viện Nhi Trung ương) trực tiếp về đây cầm tay chỉ việc, hỗ trợ cho Vĩnh Phúc. Nếu có những diễn biến nặng, bệnh cảnh lâm sàng nặng hơn sẽ chuyển tuyến lên, nhưng hiện nay mọi thứ vẫn bình thường" - ông Khuê khẳng định.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng nhấn mạnh, từ 15 ca bệnh corona đã ghi nhận cho thấy, việc phân tuyến điều trị bệnh nhân nCoV như hiện nay là hợp lý và đúng với đặc tính của căn bệnh, mặc dù thế giới vẫn còn rất ít thông tin về chủng virus mới này.

Cụ thể, không chỉ bệnh viện tuyến tỉnh mà ngay cả các bác sĩ tuyến dưới như Trung tâm Y tế huyện, Phòng khám đa khoa cũng đang điều trị rất tốt cho bệnh nhân nCoV Chỉ những trường hợp bệnh nhân nặng, phải thở máy, có bệnh nền mạn tính thì mới cần phải chuyển lên tuyến trên điều trị. (An ninh thủ đô, trang 6; Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Phòng, chống nCoV - Đừng quên đi hiến máu

Ngày 11-2, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội và Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội phối hợp phát động chương trình hiến máu Xuân hồng lần thứ 13 - năm 2020. Bên cạnh việc kêu gọi hiến máu đầu xuân, Ban tổ chức muốn truyền tải thông điệp “Phòng, chống nCoV - Đừng quên đi hiến máu”. Trong 12 ngày diễn ra chương trình, Ban tổ chức sẽ tổ chức 57 buổi hiến máu và dự kiến tiếp nhận 5.000 đơn vị máu.

Theo thống kê của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lượng máu dự trữ rất ít, nhóm máu A, khối hồng cầu, khối tiểu cầu rơi vào tình trạng báo động… ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp máu cho 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố. Theo TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu T.Ư, nguyên nhân của tình trạng khan hiếm máu vào mỗi dịp Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ kéo dài, thời tiết khắc nghiệt, máu là chế phẩm sinh học tuy được dự trữ nhưng hạn sử dụng rất ngắn, trong khi người bệnh vẫn cần truyền máu ở tất cả các thời điểm. Đặc biệt, năm nay thêm một nguyên nhân nữa là dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đang diễn biến hết sức phức tạp kéo theo hệ lụy là tình trạng thiếu máu cho điều trị càng trầm trọng hơn.
Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã phải phát đi thông tin kêu gọi hiến máu và nhận được sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan, đơn vị. Trong năm ngày sau kêu gọi (từ 5 đến 10- 2), Viện đã tiếp nhận 9.888 đơn vị máu. Trong khi 13 ngày trước đó (từ 23-1 đến 4-2), Viện chỉ tiếp nhận được tổng cộng 875 đơn vị máu. Đến sáng 11-2, lượng máu dự trữ của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư là hơn 10.000 đơn vị máu, trong đó nhóm A là 1.200 đơn vị. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng máu rất cao và bị thiếu hụt trong gần ba tuần cho nên vẫn rất cần sự tiếp tục chung tay của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng trong những ngày tiếp theo.

★ Ngày 11-2, Bệnh viện K phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện “Blouse trắng vì người bệnh cần máu”. Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc được Bệnh viện K tổ chức trong 5 năm vừa qua. Theo đó, lãnh đạo các khoa, phòng, đơn vị là những người đầu tiên tham gia hiến máu, sau đó là các cán bộ, nhân viên bệnh viện, nhất là cán bộ trẻ, đoàn viên thanh niên. Tổng số đã có hơn 300 cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia hiến máu. Lượng máu tuy không nhiều, nhưng là sự sẻ chia của những người thầy thuốc, góp phần khắc khục tình trạng thiếu máu phục vụ công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh. (Nhân dân, trang 1).


Nguồn: t5g.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?